II. Phương pháp luyện nghe tiếng Anh hiệu quả
1. Nghe những gì mình thích
Mỗi chúng ta đều có những sở thích cá nhân riêng biệt và đôi khi chúng ta dành quá nhiều thời gian để thỏa mãn sở thích đó mà quên đi việc học. Vậy để bạn có thể làm cả 2 việc tốt, hãy kết hợp làm việc mình thích và học tiếng Anh.
Luyện nghe với những chủ đề yêu thích sẽ làm cho việc tiếp thu trở nên nhẹ nhàng và dễ dàng hơn. Hãy giành thời gian tìm kiếm những đoạn phim bạn thích trên Youtube và nghe nó với tất cả sự hứng thú. Hoặc sở thích của bạn là xem các chương trình truyền hình thực tế, các show âm nhạc thì cũng hãy luyện nghe qua các chương trình đó.
Để đạt hiệu quả cao nhất các bạn hãy không xem phụ đề, không được cố gắng dịch từng câu nghe được sang tiếng Việt, cố gắng đoán ý nghĩa qua tình huống và ngữ cảnh, nếu vẫn không hiểu được thì có thể ăn gian bằng cách bấm vào ô “cc” trên youtube để hiện thị phụ đề tiếng Anh tự động với độ chính xác tầm 90%.
Các chương trình thực tế này sẽ cho bạn cách nhìn tự nhiên nhất về cách mà người bản xứ sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp trong các ngữ cảnh khác nhau.
Ngoài các chương trình thực tế, các bài nói chuyện của các diễn giả nổi tiếng cũng mang lại nhiều cảm xúc tích cực trong bạn.
2. Nghe tài liệu phù hợp với trình độ
Nghe nhiều thì tốt thật nhưng nếu nội dung nghe quá khó, chủ đề quá chuyên sâu thì việc nghe nhiều chỉ dừng lại ở mức là quen với các âm, tuy nhiên nếu nghe mãi mà không hiểu trong một thời gian dài thì sẽ sinh ra chán nản, thậm chí ám ảnh sợ tiếng Anh luôn nhất là đối với các bạn mới bắt đầu học tiếng Anh.
Khi nghe một nội dung, một phương pháp luyện nghe tiếng Anh hiệu quả là bạn phải hiểu được 80% nội dung đó.
Cho dù nó là ở dạng chương trình radio, podcast, phim, chương trình TV, nó không được quá khó. Nếu nghe 1 nội dung mà bạn chỉ hiểu được tầm 60%, chắc chắn cảm thấy nản, chán học ngay. Nếu nội dung nghe mà bạn hiểu 100%, là ngáp dài ngáp ngắn, mất tập trung, cũng chán học luôn. Cố gắng tìm các nội dung nghe phù hợp hợp với trình độ, không dễ quá, cũng không cố quá, nhắm đến mức 80% là lý tưởng.
Để có thể chọn cho mình nội dung nghe phù hợp, cần thiết phải biết trình độ hiện tại của mình đang ở đâu. Chuẩn đánh giá tiếng Anh phổ biến và thông dụng nhất là theo Khung tham chiếu chung của Châu Âu (CEFR). Theo khung này, trình độ tiếng Anh chia làm 6 bậc từ thấp đến cao gồm: A1, A2, B1, B2, C1, C2.
Nếu lười kiếm đề về làm, thì bài kiểm tra 10′ của Exam English cũng cung cấp đánh giá tương đối chính xác cho kỹ năng nghe tiếng Anh của bạn.
Khi đã biết trình độ của mình ở đâu rồi, thì sẽ dễ dàng cho bạn tìm được các nội dung nghe phù hợp với trình độ của bản thân. Bạn có thể google để tìm kiếm các bài nghe theo trình độ của CEFR với từ khoá “English listening material for CEFR level” hoặc đơn giản là “ listening material”.
3. Nghe, nhại theo và lặp lại nhiều lần
Đây là một trong những phương pháp học tiếng Anh hiệu quả nhất mà bất cứ người giỏi Tiếng Anh nào cũng biết và áp dụng rất nhiều. Kỹ thuật này rất đơn giản, đúng như tên gọi của nó: Nghe, đọc và lâp lại.
-
Đầu tiên khi nghe một nội dung, hãy cố gắng nghe, không dịch sang tiếng Việt, cố hiểu các ý chính.
-
Sau đó vừa nghe vừa đọc lại transcript (bản ghi lại những từ được nói trong bài nghe).
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đây là 1 quá trình hết sức quan trọng, khi vừa nghe vừa đọc lại, não bộ sẽ ghép âm nghe được của từ với lại các ký tự của từ đó, quá trình này giúp chúng ta ôn lại các từ đã biết, học thêm các từ mới dưới dạng âm thanh, và chuyển dần nhiều từ từ vốn từ vựng thụ động sang vốn từ vựng chủ động.
Khi đọc lại, hãy copy hoàn toàn giọng đọc của người nói, từng chỗ nhấn nhá, từng chỗ ngừng nghĩ. Khi làm như vậy, bạn đã nghe bài nghe kết hợp nhiều giác quan với nhau, tại nghe, mắt đọc, miệng nói. Các liên kết thần kinh trong học tiếng Anh của bạn sẽ nâng cao lên đáng kể khi thực hiện kỹ thuật này thường xuyên.
4. Lắng nghe và viết ra những từ bạn nghe được
Đây là cách luyện nghe tiếng Anh vô cùng hiệu quả mà có thể bạn cũng phải bất ngờ với nó đấy.
Chỉ bằng cách:
-
kiên trì nghe, nghe, nghe và chép lại những gì nghe được
-
học từ vựng
-
luyện nói đi nói lại đoạn văn đã được chép lại
Phương pháp này đòi sự quyết tâm và kiên trì rất lớn, bởi vì với bài nghe 3’ bạn có lẽ phải nghe đến 10 – 20 lần mới có thể nghe và chép lại tầm 80% – 90 nội dung.
Tuy nhiên sự đền bù là rất xứng đáng, bạn sẽ học thuộc những từ mới rất nhanh, kỹ năng viết, và chính tả cũng cải thiện đáng kể. Phương pháp này rất phù hợp cho những bạn hướng đến thi các chứng chỉ đòi hỏi kỹ năng viết như TOEFL, IELTS.
5. Luyện nghe hằng ngày, thường xuyên, liên tục
Cuối cùng, nghe hằng ngày, liên tục và thường xuyên là lời nhắc nhở đối với tất cả những ai muốn thành thạo tiếng Anh. Tiếng Anh cần một sự tích luỹ lâu dài và đều đặn trước khi có thể thấy một kết quả rõ ràng.
Không có đường tắt ở đây, chỉ có nỗ lực, kiên trì và quyết tâm. Tất cả các phương pháp trên, tất cả những kỹ thuật được những người học tốt tiếng Anh áp dụng và đúc kết đều là vô dụng với bạn nếu bạn không luyện tập nghe tiếng Anh hằng ngày.
Cố gắng biến việc nghe tiếng Anh của mình thành một thói quen không thể thiếu được như đánh răng, rửa mặt, tắm rửa mỗi ngày. Thời gian nghe mỗi ngày có thể nhiều, hoặc ít nhưng nhất thiết phải nghe, nếu bỏ một ngày, sẽ bỏ được 2 ngày, sẽ bỏ được 1 tuần và rồi bỏ luôn.
Để biến việc nghe tiếng Anh trở thành một thói quen hằng ngày, trước tiên bạn cần phải cố gắng rèn bản thân mình vào khuôn phép đồng thời tạo mọi điều kiện dễ dàng nhất cho bản thân có thể nghe tiếng Anh. Cách học tiếng Anh hiệu quả là hãy đặt lịch, ghi ra giấy, thiết lập thời gian nghe tiếng Anh mỗi ngày cho chính mình, liên tục trong 66 ngày.
Đặt trang nhà của trình duyệt là những trang mà bạn có thể nghe tiếng Anh ngay lập tức như youtube, CNN video, BBC video. Đăng kí nhận tin bằng điện thoại của bạn từ những podcast mà tôi đã giới thiệu ở bí quyết 1. Nghe bất kể ở nơi nào, bất cứ khi nào rảnh rỗi, biến việc nghe tiếng Anh trở thành 1 việc hằng ngày không thể thiếu, đó là bí quyết chung của những người học tốt Tiếng Anh!
>> ĐĂNG KÝ CÁC KHOÁ HỌC TIẾNG ANH