TỔNG HỢP 20+ TRÒ CHƠI HỌC TẬP CHO TRẺ MẦM NON DỄ ÁP DỤNG
Mục lục [Ẩn]
- 1. Lợi ích khi tổ chức trò chơi học tập cho trẻ mầm non
- 2. Các trò chơi học tập cho trẻ mầm non hay, dễ áp dụng
- 2.1 Trò chơi “Ghi nhớ bước chân”
- 2.2 Trò chơi “Đoán xem cây gì”
- 2.3 Trò chơi “Hãy làm lại như cũ”
- 2.4 Trò chơi Oẳn tù tì
- 2.5 Trò chơi “Đóng vai các con vật”
- 2.6 Trò chơi “Thi ai đếm đúng”
- 2.7 Trò chơi “Đếm các bộ phận cơ thể”
- 2.8 Trò chơi “Người mua sắm giỏi”
- 2.9 Trò chơi “Nhìn hành động đoán tên con vật”
- 2.10 Trò chơi “Thức ăn phù hợp”
- 2.11 Trò chơi Người làm vườn
- 2.12 Trò chơi “Chuyền bóng”
- 2.13 Trò chơi “Bịt mắt bắt dê”
- 2.14 Trò chơi “Ném lon”
- 2.15 Trò chơi “Bịt mắt đánh trống”
- 2.16 Trò chơi “Ném trúng đích bằng một tay”
- 2.17 Trò chơi “Đua thuyền trên cạn”
- 2.18 Trò chơi “Đánh trống giật cờ”
- 2.19 Trò chơi “Chạy tiếp sức”
- 2.20 Trò chơi “Trời sáng trời tối”
- 2.21 Trò chơi “Kéo co”
- 2.22 Trò chơi “Di chuyển thành hàng”
- 2.23 Trò chơi “Trò chơi truyền tin”
- 2.24 Trò chơi “Giả làm tượng”
- 2.25 Trò chơi “Bữa tối của sói”
- 3. Trò chơi học tập cho trẻ mầm non bằng tiếng Anh
- 3.1 Trò chơi tiếng Anh “Board Race”
- 3.2 Trò chơi tiếng Anh “Pictionary”
- 3.3 Trò chơi tiếng Anh “Simon Says”
- 3.4 Trò chơi tiếng Anh “Where Shall I Go”
- 3.5 Trò chơi tiếng Anh “The Mime”
- 3.6 Trò chơi tiếng Anh “Memory”
- 3.7 Trò chơi tiếng Anh “Find The Colour”
- 3.8 Trò chơi tiếng Anh “Word of Mouth”
- 3.9 Trò chơi tiếng Anh “Jumping games”
- 3.10 Trò chơi tiếng Anh “Facing Game”
Ở lứa tuổi mầm non, các hoạt động vui chơi đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ hòa nhập, phát triển thể chất và trí tuệ một cách tự nhiên. Bài viết sau sẽ tổng hợp các trò chơi học tập cho trẻ mầm non phổ biến, phù hợp để giáo viên tổ chức cho các bé vui chơi, hoạt động cùng nhau trong tập thể lớp.
1. Lợi ích khi tổ chức trò chơi học tập cho trẻ mầm non
Lứa tuổi mầm non cần được tạo nhiều điều kiện để tham gia các trò chơi tập thể, khuyến khích các em tương tác với các bạn đồng trang lứa vì một số lợi ích sau:
- Tạo cơ hội để trẻ hoạt động thể chất, vận động cơ thể và tăng cường sức khỏe, tránh sự ù lì, chậm chạp.
- Các trò chơi vận động, tương tác giúp kích thích trí tưởng tượng, trí não của trẻ. Cho phép các em khám phá những điều mới mẻ, linh hoạt, sáng tạo cũng như tích cực tìm tòi, bộc lộ tiềm năng cá nhân.
- Khi tham gia các trò chơi học tập, trẻ sẽ được nâng cao sự tự tin, củng cố bản lĩnh khi tự hoàn thành tốt một nhiệm vụ nào đó.
- Bên cạnh đó, các em còn có thể phát triển kỹ năng cá nhân, thành thạo làm việc nhóm và mạnh dạn trong các hoạt động tập thể.
- Trò chơi học tập mầm non còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho trẻ các kiến thức bổ ích về các đối tượng, sự vật xung quanh.
2. Các trò chơi học tập cho trẻ mầm non hay, dễ áp dụng
2.1 Trò chơi “Ghi nhớ bước chân”
Đây là trò chơi giúp các bé ôn lại những kiến thức về hình học cơ bản, đồng thời cũng rèn cho trẻ khả năng quan sát và phản xạ nhanh nhạy.
Chuẩn bị: Giáo viên vẽ hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình chữ nhật lên sân.
Luật chơi: Giáo viên phát hiệu lệnh và yêu cầu các em phải đi vào đúng ô hình. Ai đi sai sẽ phải quay trở lại và nhường lượt chơi cho đội bạn. Lần lượt tiến hành cho đến khi có đội xong trước và giành chiến thắng.
Cách chơi:
- Chia trẻ ra thành từng nhóm tùy theo sĩ số.
- Các bé cử đại diện để oẳn tù tì hoặc bốc thăm để chọn lượt chơi.
- Khi cô nói tới tên một hình bất kỳ thì bé phải đi vào đúng hình đó. Nếu bé chọn sai thì phải nhường lượt chơi cho đội khác.
- Kết thúc trò chơi, đội nào hết người trước sẽ là đội chiến thắng.
2.2 Trò chơi “Đoán xem cây gì”
Trò chơi này giúp trẻ mầm non củng cố kiến thức nhận biết các loại cây được trồng ở sân trường. Ngoài ra còn rèn luyện khả năng phản xạ nhanh cho trẻ.
Chuẩn bị: Tổ chức vào giờ sinh hoạt ngoài trời, địa điểm là sân trường có nhiều cây trồng.
Luật chơi: Giáo viên sẽ hỏi các bé về đặc điểm của loại cây và ai tìm được đúng sẽ là người thắng, ai tìm nhầm sẽ bị phạt nhảy lò cò.
Cách chơi:
- Cô giáo sẽ quan sát nhanh một số đặc điểm cơ bản của các loại cây trong sân trường. Sau đó cô sẽ miêu tả đặc điểm của một cây bất kỳ và nhiệm vụ của các bé là phải đoán xem đó là cây gì.
- Khi cô hô “Một, hai, ba tìm cây tìm cây”, trẻ phải tìm và chạy thật nhanh đến loài cây được cô miêu tả. Bạn nào chạy nhầm sẽ bị phạt nhảy lò cò 1 vòng.
2.3 Trò chơi “Hãy làm lại như cũ”
Trò chơi mang tính rèn luyện khả năng ghi nhớ của trẻ, qua việc tập trung quan sát để nhận biết sự thay đổi trước và sau.
Chuẩn bị: Mô hình ngôi nhà, một số loại hoa trong nhà như hoa cúc, hoa hồng, hoa mai,...
Cách chơi:
- Giáo viên cho các bé quan sát mô hình vừa chuẩn bị và nói tên các loài hoa có trong mô hình.
- Sau đó yêu cầu trẻ đặt các loại hoa ở vị trí trước sau, phải trái của ngôi nhà. Sau đó cô sẽ thay đổi vị trí của chậu hoa và yêu cầu trẻ phải nhắm mắt lại.
- Sau khi mở mắt, các con phải nói được cô đã thay đổi những thứ gì và trẻ phải xếp lại như cũ.
2.4 Trò chơi Oẳn tù tì
Đây là một trò chơi quen thuộc giúp trẻ rèn luyện khả năng tư duy, phản xạ.
Luật chơi: Búa sẽ thắng kéo, kéo thắng bao, bao thắng búa.
Giáo viên cần hướng dẫn cho bé nhận biết:
- Nắm các ngón tay lại: búa
- Nắm 3 ngón tay lại gồm ngón cái, ngón út và ngón áp út, xòe 2 ngón tay còn lại: kéo
- Xòe cả 5 ngón tay ra được gọi là bao
Cách chơi: Hai em nhỏ cùng hô to: “Oẳn tù tì ra cái gì ra cái này”. Khi dứt câu thì cả hai bên phải cùng đưa tay ra, không được người ra trước, người ra sau. Sau đó, áp dụng luật chơi ở trên để phân định thắng thua.
2.5 Trò chơi “Đóng vai các con vật”
Một trò chơi vận động vui nhộn, thú vị giúp trẻ nhận biết, phân biệt các loài vật thông qua tiếng kêu, động tác.
Chuẩn bị: Nhạc bài hát “Cá vàng bơi”.
Cách chơi:
- Giáo viên bắt nhịp bài hát “cá vàng bơi” cho các bé nghe và đoán xem cá vàng có những động tác nào.
- Sau khi các bé trả lời, giáo viên cho các em xem tranh và chỉ vào từng động tác của cá vàng.
- Các hoạt động của cá vàng trong bài hát bao gồm: bơi, ngoi, lặn, múa. Giáo viên vừa nói vừa giơ tay đếm, tổng cộng là 4 động tác.
- Tiếp theo giáo viên hát lại và thực hiện từng động tác của cá vàng trong bài hát. Cả lớp sẽ làm theo động tác mẫu của giáo viên.
Xem thêm: 11 BỘ GIÁO TRÌNH DẠY TIẾNG ANH CHO TRẺ EM PHỔ BIẾN
2.6 Trò chơi “Thi ai đếm đúng”
Trò chơi này phù hợp để các em nhỏ rèn luyện khả năng nhận biết, tưởng tượng và tư duy.
Chuẩn bị: Khoảng 5 – 7 dây có thắt nút đủ tốt để có thể sờ và nhận ra được số lượng dây.
Luật chơi: Các bé khi chơi không được nhìn mà chỉ dùng tay sờ.
Cách chơi:
- Giáo viên chia lớp theo từng nhóm, sau đó bịt mắt các em.
- Quản trò phát cho mỗi bạn 1 sợi dây có thắt nhiều nút đã chuẩn bị sẵn.
- Trẻ sẽ dùng tay để sờ và đếm xem có bao nhiêu nút thắt trên dây.
- Khi có hiệu lệnh của quản trò các bé sẽ bắt đầu đếm xem ai đếm nhanh hơn.
2.7 Trò chơi “Đếm các bộ phận cơ thể”
Trò chơi giúp các bạn nhỏ làm quen dần với phép đếm từ 1, 2 hoặc nhiều hơn.
Cách chơi:
- Giáo viên sẽ hướng dẫn trẻ lần lượt đếm số lượng bộ phận trên cơ thể. Bắt đầu bằng câu hỏi như: “Có mấy mắt?”, rồi cùng trẻ đếm “một, hai” và trả lời “Có hai mắt”.
- Cứ như vậy, giáo viên đặt câu hỏi tương tự với các bộ phận khác. Lúc đầu có thể đếm cùng trẻ, sau vài lần hãy để trẻ tự đếm.
2.8 Trò chơi “Người mua sắm giỏi”
Thông qua trò chơi, trẻ có thể nhận biết được những chất liệu, sản phẩm gia dụng quen thuộc.
Chuẩn bị: Chén, bát, nồi, ấm, chảo
Luật chơi:
Giáo viên sẽ lần lượt cho hai vật chạm nhẹ vào nhau sao cho phát ra âm thanh. Trẻ sẽ dựa vào đó để lựa chọn đồ dùng có chất liệu tương tự. Giáo viên cần dặn trẻ cẩn thận với các đồ dùng làm bằng sứ, thủy tinh.
Cách chơi:
Bắt đầu trò chơi
Cô sẽ nói: “Đi chợ đi chợ”
Các con: “Mua gì, mua gì?”
Cô quản trò nói tiếp: Đồ dùng để đựng thức ăn bát, đĩa, chén bằng sứ. Vừa nói cô sẽ chạm đồ sứ vào nhau để tạo ra âm thanh.
Tiếp tục vòng 2
Cô: “Đi chợ, đi chợ”
Trò: “Mua gì, mua gì”
Cô nói: Đồ làm bằng thủy tinh và cũng làm động tác cho cốc, ly thủy tinh va chạm vào nhau.
Tương tự như vậy với vòng 3 là đồ dùng bằng nhôm.
2.9 Trò chơi “Nhìn hành động đoán tên con vật”
Đây là trò chơi giúp trẻ mầm non củng cố hình ảnh những con vật quen thuộc, đồng thời phát triển tư duy, khả năng tưởng tượng và sử dụng ngôn ngữ miêu tả.
Chuẩn bị:
- Địa điểm: Không gian rộng rãi, thoáng mát
- Những bông hoa nhỏ bằng giấy hoặc bằng nhựa với nhiều màu sắc khác nhau để tính điểm cho các em khi đoán đúng tên con vật.
Cách chơi:
- Trò chơi này có thể chia từng nhóm hoặc theo hình thức nối vòng. Cứ một bạn miêu tả đặc điểm của con vật, bạn còn lại sẽ đoán tên con vật.
- Các nhóm sẽ phải tiến hành bốc thăm xem bên nào sẽ làm động tác mô phỏng trước.
- Trẻ sẽ thảo luận để đưa ra hành động miêu tả con vật phù hợp, cũng như đáp án chính xác nhất và ghi điểm.
2.10 Trò chơi “Thức ăn phù hợp”
Trò chơi đơn giản này sẽ giúp các em nhỏ nhận biết được mỗi loài vật sẽ ăn loại thức ăn nào.
Chuẩn bị: Các bức tranh có hình con vật quen thuộc và các loại thức ăn của chúng như: cỏ, lúa, gạo, sữa,…
Cách chơi:
- Giáo viên sẽ phát cho các bé một tờ giấy, trong tờ giấy đã có sẵn hình vẽ con vật và thức ăn của chúng.
- Giáo viên sẽ yêu cầu các em nối hình con vật với thức ăn tương ứng của chúng. Ai tìm đúng xong trước sẽ là người chiến thắng.
Xem thêm: BỎ TÚI BÍ KÍP LUYỆN NÓI TIẾNG ANH CHO BÉ HIỆU QUẢ
2.11 Trò chơi Người làm vườn
Trò chơi làm vườn giúp các bé có thể nhận biết, phân loại cây trái, rau quả, cũng như phân biệt các ký hiệu màu sắc.
Chuẩn bị:
- Những miếng dán tròn có các màu xanh, đỏ và vàng
- Mô hình hoặc tranh ảnh về các loài cây quen thuộc trong vườn
Cách chơi:
- Quản trò sẽ nói: “Bây giờ cả lớp mình sẽ hóa thân thành những bác làm vườn trồng cây vào vườn có hàng rào màu xanh, đỏ, vàng. Vườn màu xanh chúng ta sẽ trồng các loại cây bóng mát, vườn màu vàng sẽ trồng cây ăn quả hoặc các loại rau, còn vườn màu đỏ thì trồng cây cảnh để trang trí.”
- Nhóm được đeo phù hiệu đỏ sẽ trồng cây cảnh, bạn nào đeo phù hiệu xanh sẽ trồng cây bóng mát, bạn nào đeo phù hiệu màu vàng sẽ trồng cây ăn quả. Sau cùng, cho trẻ chơi trên nền nhạc vui nhộn khoảng 2 – 3 phút. Nhóm trồng cây đúng nhiều nhất sẽ là nhóm chiến thắng.
2.12 Trò chơi “Chuyền bóng”
Chuyền bóng là trò chơi bổ ích rèn luyện sự khéo léo cho trẻ, thích hợp cho trẻ từ 3 tuổi. Luật chơi là các bé tham gia cần giữ bóng để không làm rơi trong quá trình chuyền bóng cho bạn bên cạnh.
Chuẩn bị: Bóng nhựa nhỏ
Cách chơi:
- Xếp thành viên chơi bóng ngồi thành vòng tròn quay mặt vào trung tâm (khoảng 8 – 10 trẻ). Nếu số lượng trẻ nhiều có thể chia thành 2 nhóm hoặc ngồi thành 2 vòng tròn.
- Khi trò chơi bắt đầu, trẻ chuyền bóng cho bạn bên cạnh lần lượt theo chiều kim đồng hồ và hát theo nhịp:
“Không có cánh
Mà bóng biết bay
Không có chân
Mà bóng biết chạy
Nhanh nhanh bạn ơi
Nhanh nhanh bạn ơi
Xem ai tài, ai khéo
Cùng thi đua nào”
- Thành viên nào làm rơi bóng sẽ bị loại và trò chơi lại tiếp tục vòng mới.
2.13 Trò chơi “Bịt mắt bắt dê”
Bịt mắt bắt dê là trò chơi dân gian, thích hợp cho hoạt động ngoài trời hoặc trong nhà với luật chơi đơn giản, dễ áp dụng. Trò chơi này có thể tổ chức cho nhóm trẻ đông người.
Chuẩn bị: Khăn bịt mắt kín
Cách chơi:
- Chỉ định 1 bạn trong nhóm là người bị bịt mắt, những thành viên còn lại là “dê”.
- Trò chơi bắt đầu, người bị bịt mắt di chuyển ra xung quanh để tìm bắt “dê”. Các thành viên còn lại di chuyển ra các hướng khác liên tục kêu “be, be” để đánh lạc hướng người bắt.
- Lưu ý, dê chỉ được di chuyển trong phạm vi đã quy định. Khi người bắt bắt được dê thì sẽ được hoán đổi vị trí. Sau đó trò chơi lại tiếp tục vòng mới.
2.14 Trò chơi “Ném lon”
Ném lon là trò chơi học tập cho trẻ mầm non từ 5 – 6 tuổi với luật chơi khá đơn giản. Trẻ chỉ cần đứng từ vị trí xuất phát và ném đổ các lon đã được sắp xếp từ trước. Trò chơi vận động này rèn luyện cho các em nhỏ sự khéo léo, tập trung và phối hợp ăn ý với đồng đội.
Chuẩn bị:
- Lon nước sạch sẽ đã qua sử dụng
- Trái bóng ném lon
- Kẻ vạch xuất phát và vòng tròn xếp lon cách vạch xuất phát từ 1,0 – 1,5m
Cách chơi:
- Chia ra 2 đội có số người tương ứng và sắp xếp lượt chơi cho mỗi người trong đội. Thành viên 2 đội xếp thành hàng dọc tại vạch xuất phát.
- Khi trò chơi bắt đầu, bạn đứng đầu của đội thứ nhất cầm bóng ném về phía lon nước đã xếp, cần tính toán sao cho số lon đổ là nhiều nhất. Sau đó người này chạy lên nhặt bóng và trở về vạch xuất phát. Bạn tiếp theo trong đội tiếp tục ném lon, đến khi số lon đổ hết.
- Đội thứ 2 tiếp tục ném lon tương tự như đội thứ nhất.
- Đội thắng cuộc là đội ném đổ toàn bộ số lon với số lượt ném ít hơn.
2.15 Trò chơi “Bịt mắt đánh trống”
Bịt mắt đánh trống là một trò chơi dân gian dành cho trẻ em, giúp trẻ rèn luyện khả năng phán đoán, định hướng vị trí. Đây là trò chơi học tập cho trẻ mầm non mang đến sự gắn kết, không khí sôi nổi cho cả lớp.
Chuẩn bị:
- Trống con treo trên dây (cần ước lượng khoảng cách phù hợp tầm với của trẻ), dây treo trống cách vạch xuất phát 3 – 5m.
- Dùi trống
- Khăn bịt mắt kín
- Vạch xuất phát
Cách chơi:
- Chia trẻ thành các nhóm khoảng 3 – 5 người/nhóm. Mỗi nhóm xếp thành hàng tại vạch xuất phát, đứng đối diện với trống và phân chia lượt chơi rõ ràng cho từng bạn.
- Trước khi trò chơi bắt đầu, giáo viên có thể để các em nhỏ được đi lại, ước lượng khoảng cách từ vạch đích đến điểm treo trống và cầm dùi đánh thử trống. Quy định rõ số lần được đánh trống của mỗi người.
- Trò chơi bắt đầu, một bạn bị bịt kín mắt cầm dùi trống và di chuyển về phía trống treo ở phía trước.
- Sau khi ước chừng vị trí, người chơi giơ dùi trống lên đánh. Nếu đánh trúng được tính điểm. Đánh đủ số lượt mà không trúng trống thì người chơi bị loại.
- Đội chiến thắng là đội giành được nhiều điểm nhất.
2.16 Trò chơi “Ném trúng đích bằng một tay”
Trò chơi vận động này thích hợp để các em nhỏ rèn luyện khả năng ước lượng khoảng cách, sử dụng lực vừa phải để ném trúng đích.
Luật chơi:
Trong trò chơi này, trẻ chỉ được cầm đồ vật trên một tay và ném vào giỏ đựng đồ đặt phía trước. Để tăng tính hấp dẫn, giáo viên có thể sử dụng đồ vật để ném là các loại đồ chơi có kích thước nhỏ, mềm hoặc bánh kẹo mà trẻ yêu thích.
Chuẩn bị:
- Giỏ đựng đồ đặt cách vạch đích 1,0 – 1.5m
- Đồ vật ném: đồ chơi, bim bim, bánh kẹo…
- Kẻ vạch xuất phát
Cách chơi:
- Chia thành viên tham gia thành 2 đội, xếp thành hàng dọc trước vạch đích và sắp xếp thứ tự chơi lần lượt theo hàng đã đứng. Mỗi bạn sẽ cầm sẵn đồ vật để ném trên tay.
- Trò chơi bắt đầu, trẻ cầm đồ vật ném về phía đích sao cho đồ vật rơi trúng giỏ đựng. Sau khi ném, trẻ cần nhanh chóng di chuyển về phía sau để bạn tiếp theo tiếp tục ném.
- Khi hết lượt chơi, giáo viên tổng kết bằng cách đếm số đồ vật trong giỏ của mỗi đội. Đội chiến thắng là đội có số lượng đồ trong giỏ nhiều nhất.
2.17 Trò chơi “Đua thuyền trên cạn”
Trò chơi Đua thuyền trên cạn là một hoạt động tập thể thú vị, không chỉ giúp trẻ mầm non tăng cường sức khỏe, khả năng bền bỉ mà còn thể hiện tinh thần đồng đội, gắn kết để đưa đội đua về đích giành chiến thắng.
Chuẩn bị:
- Khoảng không gian bằng phẳng, rộng rãi
- Chia đường đua theo số đội chơi
- Kẻ vạch xuất phát và vạch đích
Cách chơi:
- Quản trò chia thành viên tham gia thành các đội chơi 5 – 7 người/đội.
- Các thành viên của mỗi đội chơi ngồi thành hàng dọc, bạn ngồi sau vòng chân lên bụng và đặt lên chân bạn ngồi trước, lần lượt cho đến khi mô phỏng thành một chiếc thuyền đua.
- Khi trò chơi bắt đầu, tất cả các thành viên trong đội cần phối hợp hài hòa bằng cách dùng tay nâng cơ thể đẩy về phía trước. Cả đội cần di chuyển nhanh, đảm bảo giữ nguyên đội hình để về đích trong thời gian sớm nhất.
- Đội về đích sớm nhất là đội giành chiến thắng.
2.18 Trò chơi “Đánh trống giật cờ”
Trò chơi Đánh trống giật cờ giúp trẻ mầm non có cơ hội vận động, phát triển sự nhanh nhẹn của bản thân.
Chuẩn bị:
- Trống và dùi trống đặt tại vạch đích
- Cờ đặt tại vạch đích
- Không gian ngoài trời rộng thoáng, bằng phẳng và sạch sẽ
Cách chơi:
- Chia trẻ thành 2 đội, đứng theo hàng dọc tại vạch xuất phát. Phân chia lượt chơi cho từng thành viên của mỗi đội theo thứ tự xếp hàng.
- Khi quản trò phát tín hiệu trò chơi bắt đầu, thành viên đầu tiên của mỗi đội chạy nhanh về vạch đích, dùng dùi trống đánh trống và rút 1 lá cờ chạy quay trở lại vạch xuất phát.
- Tiếp tục lượt chơi thứ 2. Lưu ý, bạn nào làm rơi cờ sẽ không được tính lượt chơi và phải xếp vào cuối hàng đội mình chơi lại.
- Đội nào hoàn thành hết lượt chơi đúng luật nhanh nhất là đội chiến thắng.
2.19 Trò chơi “Chạy tiếp sức”
Trò chơi Chạy tiếp sức giúp bé rèn luyện sức khỏe thông qua vận động cơ thể, cũng như tăng khả năng làm việc nhóm ở trẻ.
Chuẩn bị:
- Địa điểm: Sân rộng rãi, bằng phẳng
- Dụng cụ: Một cây gậy nhỏ
Cách chơi:
- Với trò chơi này, giáo viên chia trẻ thành các nhóm nhỏ, đứng thành hàng dọc cách nhau một khoảng. Các bé ở đầu hàng sẽ cầm một cây gậy nhỏ.
- Khi giáo viên ra hiệu lệnh, trẻ cầm gậy ở hàng bên trái sẽ chạy thật nhanh sang đầu hàng bên phải, sau khi trao gậy cho đồng đội thì chạy nhanh đến đứng ở cuối hàng bên phải.
- Trẻ nhận được gậy chạy sang đưa cho bạn số 2 ở hàng bên trái rồi tiếp tục chạy xuống xếp cuối hàng đó.
- Cứ thế, trò chơi tiếp tục cho đến hết lượt. Đội nào về trước, giữ được hàng ngũ ngay ngắn sẽ giành chiến thắng.
Xem thêm: CÁC PHƯƠNG PHÁP DẠY TIẾNG ANH CHO TRẺ MẦM NON HIỆU QUẢ
HỌC BỔNG LÊN TỚI 50%
- Lộ trình học cá nhân hoá
- Phát triển toàn diện 4 kỹ năng
- Phương pháp học mới mẻ, sáng tạo
- Đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp
- Giáo trình chuẩn quốc tế và sách giáo khoa
- 200,000+ phụ huynh tin tưởng
2.20 Trò chơi “Trời sáng trời tối”
Trò chơi đơn giản, nhẹ nhàng này dạy cho bé biết được thói quen của các loài động vật khác nhau. Đồng thời giúp các em luyện tập phản xạ, bắt chước hành động.
Cách chơi:
- Để tổ chức trò chơi “Trời sáng trời tối”, giáo viên tập hợp trẻ thành vòng tròn. Sau đó, cho các em giả làm đàn gà đi quanh sân để kiếm mồi. Vừa đi, tay của trẻ vừa giơ ngang làm động tác ngả nghiêng liên tục hai bên như đôi cánh đang vẫy, vừa kêu “chip, chip”.
- Trong khi trẻ đang đi theo vòng tròn, quản trò nói “trời tối”. Lúc này, trẻ phải ngồi thụp xuống đất, áp mặt vào hai bàn tay như đang ngủ.
- Sau đó, quản trò lại ra hiệu lệnh “trời sáng” để trẻ thức dậy, đưa tay lên miệng và bắt chước tiếng gà trống gáy buổi sáng “ò ó o”.
- Giáo viên hướng dẫn thêm động tác của những con vật khác tương tự để tiếp tục trò chơi.
2.21 Trò chơi “Kéo co”
Trò chơi kéo co phù hợp để trẻ mầm non phát triển các kỹ năng cơ bản như đoàn kết, phối hợp và rèn luyện sức mạnh.
Chuẩn bị: 1 sợi dây thừng
Cách chơi:
- Chia lớp thành 2 đội có số lượng thành viên bằng nhau. Mỗi đội đứng một đầu dây, ở giữa sợi dây cột một sợi ruy băng.
- Các bé nắm lấy sợi dây kéo sang hai bên, đội nào kéo khiến đội kia lệch về phía mình sẽ là đội chiến thắng.
2.22 Trò chơi “Di chuyển thành hàng”
Trò chơi này giúp các bé rèn luyện tính khéo léo, cẩn trọng và nâng cao tinh thần đồng đội.
Chuẩn bị: Dây ruy băng màu và băng keo
Cách chơi:
- Giáo viên dùng băng dính để dán ruy băng lên sàn nhà thành đường thẳng rồi chuyển góc 90° để tạo các đường nằm vuông góc, song song với nhau.
- Các em nhỏ sẽ di chuyển theo đường thẳng và nối đuôi nhau, đảm bảo không lệch ra khỏi hàng.
2.23 Trò chơi “Trò chơi truyền tin”
Truyền tin là một trò chơi học tập cho trẻ mầm non giúp các bé rèn luyện trí nhớ, kỹ năng phối hợp trong hoạt động nhóm.
Cách chơi:
- Với trò này, giáo viên có thể tổ chức từ 2 – 3 đội với 2 – 3 vòng tròn nhằm tạo tính thi đua xem nhóm nào truyền được thông tin nhanh và đúng.
- Giáo viên gọi một em từ mỗi nhóm lên rồi nói thầm cùng một câu nói. Sau đó, bạn nhỏ được gọi lên sẽ đi về nói thầm với đồng đội, lần lượt truyền tin cho đến bạn cuối cùng.
- Em cuối cùng sẽ nói to câu nói lên cho mọi người cùng nghe. Nhóm nào truyền đúng câu giáo viên nói nhanh nhất sẽ là nhóm thắng cuộc.
2.24 Trò chơi “Giả làm tượng”
Trò chơi này rèn luyện cho các em khả năng phản ứng nhanh nhạy khi có tín hiệu.
Chuẩn bị: Một bài nhạc vui nhộn
Cách chơi:
- Giáo viên tập trung cả lớp lại thành một nhóm rồi bật nhạc lên.
- Trẻ sẽ di chuyển xung quanh phòng khi nhạc đang mở.
- Khi tiếng nhạc dừng, tất cả các bé phải dừng lại và đứng yên bất động. Nếu bạn nào cử động sẽ bị loại.
- Trò chơi cứ thế tiếp tục cho đến khi còn lại người cuối cùng. Người đó sẽ là người chiến thắng trong trò chơi.
2.25 Trò chơi “Bữa tối của sói”
Qua trò chơi, các bé sẽ nhận biết được các mốc thời gian trên đồng hồ, cũng như rèn khả năng phản xạ nhanh nhẹn.
Cách chơi:
- Để tổ chức trò chơi Bữa tối của sói, giáo viên sẽ chọn một bạn làm sói và đứng vào giữa vòng tròn.
- Những bạn khác đứng xung quanh vòng tròn vẽ trên sân, tương ứng với các mốc thời gian mô phỏng trên mặt đồng hồ.
- Sau đó, các bé sẽ đồng thanh nói to “Sói muốn mấy giờ?”.
- Sói có thể trả lời số giờ bất kỳ. Trẻ có số tương ứng sẽ đứng lên trước con sói 1 bước.
- Trò chơi tiếp tục cho đến khi tất cả được gọi hết và đến đứng gần sói.
- Lúc này, sói sẽ nói “Đến giờ ăn tối rồi!”. Sau đó, sói sẽ đuổi theo các bạn và bắt lấy một người bất kỳ.
- Trẻ nào bị bắt lại sẽ thay phiên làm sói và tiếp tục trò chơi.
3. Trò chơi học tập cho trẻ mầm non bằng tiếng Anh
3.1 Trò chơi tiếng Anh “Board Race”
“Board Race” là một trò chơi tiếng Anh thú vị, phù hợp để các em nhỏ ôn tập từ vựng tiếng Anh đã được học.
Cách chơi:
- Giáo viên tiến hành chia lớp thành hai đội hoặc thành các nhóm 3 – 4 người nếu lớp có đông học sinh.
- Kẻ một đường thẳng ở giữa bảng và viết một chủ đề ở trên cùng.
- Sau đó, các bé phải viết những từ mà thầy cô yêu cầu liên quan đến chủ đề dưới hình thức chạy tiếp sức.
- Mỗi từ đúng được tính một điểm. Bất kỳ từ nào không thể đọc được hoặc viết sai chính tả đều không được tính.
3.2 Trò chơi tiếng Anh “Pictionary”
Trò chơi này sử dụng các hình ảnh minh họa, giúp các bé mầm non ghi nhớ từ vựng một cách tự nhiên và lâu dài.
Chuẩn bị: Bút, các thẻ từ vựng, hộp đựng
Cách chơi:
- Giáo viên chuẩn bị trước các từ mới và cho vào một cái hộp. Sau đó, tiến hành chia lớp thành các đội và kẻ một đường thẳng ở giữa bảng.
- Giáo viên đưa cho mỗi đội một cây bút và yêu cầu các em lựa chọn một từ vựng trong hộp.
- Học sinh sẽ minh họa từ mới đó bằng cách vẽ tranh minh họa lên bảng và để thành viên còn lại đoán.
- Đội đầu tiên có câu trả lời đúng sẽ được một điểm.
- Bé nào đã vẽ xong sẽ chỉ định người khác vẽ cho đội của mình.
- Lặp lại cho đến khi hết tất cả các từ.
3.3 Trò chơi tiếng Anh “Simon Says”
Trò chơi “Simon Says” giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung lắng nghe để phân biệt giữa lệnh thật và lệnh giả, từ đó nâng cao phản xạ trong giao tiếp bằng tiếng Anh.
Cách chơi:
- Một bạn nhỏ sẽ được lựa chọn để đóng vai nhân vật Simon.
- Học sinh này sẽ nói câu “Simon says” và thực hiện một hành động. Ví dụ như: “Touch your head” (Chạm tay vào đầu) hoặc “Clap your hand” (Vỗ tay),...
- Các bé khác sẽ làm theo hành động này, tuy nhiên, chỉ có thể thực hiện hành động được yêu cầu khi người đóng vai Simon mở đầu với cụm từ “Simon says”. Người tham gia nếu làm sai sẽ lập tức bị loại.
Xem thêm: TOP 15+ CÁC TRÒ CHƠI TIẾNG ANH CHO TRẺ EM HỮU ÍCH
3.4 Trò chơi tiếng Anh “Where Shall I Go”
Trò chơi này giúp các em nhỏ rèn luyện khả năng ghi nhớ các giới từ chỉ sự chuyển động. Đây là hoạt động cần có sự giám sát chặt chẽ của người quản trò vì các bé sẽ phải bịt mắt để tham gia trò chơi.
Cách chơi:
- Trước tiên, giáo viên hãy sắp xếp lại lớp học trở thành một mê cung, bằng cách thay đổi vị trí của bàn, ghế hoặc các đồ vật có sẵn trong lớp.
- Khi trẻ đến, giáo viên hãy cho các em xếp hàng thành từng cặp và chờ bên ngoài lớp học, đồng thời bịt mắt một bạn từ mỗi cặp.
- Lần lượt từng cặp đi vào lớp, em nào bị bịt mắt sẽ được bạn cùng nhóm dẫn đi qua mê cung.
- Bạn hướng dẫn cần nói tiếng Anh, sử dụng các mệnh lệnh như bước qua, đi xuống, đi lên và đi xuống để dẫn đồng đội đến cuối mê cung.
3.5 Trò chơi tiếng Anh “The Mime”
Trò chơi mô phỏng này phù hợp với mọi lứa tuổi và cho phép các bé vận động nhẹ nhàng thay vì chỉ ngồi một chỗ, đồng thời giúp trẻ mầm non ghi nhớ từ vựng.
Chuẩn bị: Một số mảnh giấy có ghi hành động tiếng Anh, hộp đựng
Cách chơi:
- Trước tiên, giáo viên hãy viết ra một số hành động ví dụ như rửa bát đĩa, tưới cây,... lên các mảnh giấy và cho hết vào một chiếc hộp.
- Giáo viên sẽ chia lớp thành hai đội và xếp thành 2 hàng. Trong mỗi đội cử ra 1 thành viên đứng đầu hàng tiến hành bốc mảnh giấy trong hộp.
- Một bé sẽ diễn tả nội dung trong mảnh giấy cho đồng đội bằng bất kỳ hành động nào nhưng không được phép nói.
- Những thành viên còn lại của 2 đội lần lượt bắt chước hành động đó cho đến hết 1 hàng. Bạn nào đứng cuối hàng sẽ phải đưa ra đáp án cuối cùng.
- Đội đầu tiên đưa ra câu trả lời đúng sẽ giành được một điểm.
- Lặp lại điều này cho đến khi tất cả các em đã thực hiện ít nhất một hành động.
3.6 Trò chơi tiếng Anh “Memory”
Trò chơi đơn giản không chỉ giúp trẻ mầm non nâng cao khả năng tập trung mà còn giúp các em ghi nhớ từ vựng một cách hiệu quả.
Chuẩn bị: Hai bộ flashcard phù hợp hoặc một bộ tranh và từ tương ứng.
Cách chơi:
Giáo viên sẽ đặt tất cả các thẻ úp xuống sàn và cho các em nhỏ thay phiên nhau lựa chọn hai thẻ cho đến khi chúng khớp thành một cặp.
3.7 Trò chơi tiếng Anh “Find The Colour”
Trò chơi này rất hữu ích để dạy trẻ mầm non về màu sắc trong tiếng Anh. Đây là một phương pháp tuyệt vời để các bé vận động và cải thiện khả năng phản xạ trong quá trình học tiếng Anh.
Cách chơi:
- Giáo viên sẽ gọi to theo mẫu câu: “find something +… (colour)”.
- Sau đó, trẻ phải chạy quanh phòng và chạm vào những đồ vật có màu sắc mà giáo viên yêu cầu.
3.8 Trò chơi tiếng Anh “Word of Mouth”
“Word of Mouth” là một trò chơi học tập cho trẻ mầm non giúp các em cải thiện kỹ năng nghe – nói, cũng như rèn luyện một số kỹ năng mềm khác như giao tiếp và làm việc nhóm.
Cách chơi:
- Các em nhỏ trong lớp sẽ được chia thành nhiều hàng.
- Sau khi ổn định các nhóm, giáo viên sẽ nói nhỏ với bạn đứng ở đầu hàng một từ vựng tiếng Anh bất kỳ. Bạn này sẽ thì thầm lại từ vựng đó cho các bạn đứng đằng sau mình.
- Quá trình truyền tin sẽ kết thúc khi bạn đứng cuối hàng nhận được thông tin từ người phía trước và đọc to từ vựng trước lớp.
- Về tiêu chí chấm điểm, đội chơi phát âm chuẩn, rõ ràng nhiều từ vựng tiếng Anh nhất trong khoảng thời gian quy định sẽ giành được chiến thắng.
3.9 Trò chơi tiếng Anh “Jumping games”
Việc học ngữ pháp tiếng Anh của các bé mầm non sẽ trở nên đơn giản hơn với trò chơi “Jumping games” thú vị.
Cách chơi:
- Giáo viên cần chuẩn bị một số thẻ có chứa các mẫu câu thuộc chủ đề ôn tập và xếp thành một hàng dọc ở trên sàn.
- Khi bắt đầu trò chơi, bé sẽ đứng ở vị trí xuất phát và chỉ được phép nhảy lên trước khi đọc to, rõ ràng, chính xác mẫu câu được in trên tấm thẻ thứ nhất. Trong trường hợp đọc sai, trẻ buộc phải lùi lại một bước nhảy và không được phép di chuyển lên trên.
- Trò chơi này sẽ kết thúc khi các bé vượt qua hết chướng ngại vật và đến được điểm đích.
3.10 Trò chơi tiếng Anh “Facing Game”
“Facing game” là một trò chơi thú vị giúp các bé mầm non rèn luyện kỹ năng nói, cũng như ôn tập các từ vựng một cách hiệu quả.
Cách chơi:
- Trước tiên, giáo viên sẽ cho trẻ xếp thành vòng tròn và chọn ra một chủ đề tiếng Anh bất kỳ.
- Lần lượt từng em cần đưa ra những từ vựng thuộc chủ đề đó với điều kiện không lặp lại câu trả lời của những người chơi trước. Bạn nào không thể tìm ra từ vựng hợp lý sẽ lập tức bị loại.
- Trò chơi sẽ được tiếp tục cho tới khi vòng tròn chỉ còn lại một bé duy nhất nhằm tìm ra nhà vô địch.
Trên đây là tổng hợp +20 trò chơi học tập cho trẻ mầm non hay, dễ áp dụng ở nhiều môi trường giáo dục. Việc tổ chức các trò chơi vui nhộn, mang tính tập thể sẽ tạo điều kiện để các em nhỏ thể hiện sự hoạt bát, nhanh nhẹn của mình. Hy vọng bài viết trên hữu ích đối với những ai đang làm công tác giáo dục mầm non.
Nội Dung Hot
KHÓA HỌC TRỰC TUYẾN 1 KÈM 1
- Học và trao đổi trực tiếp 1 thầy 1 trò.
- Giao tiếp liên tục, sửa lỗi kịp thời, bù đắp lỗ hổng ngay lập tức.
- Lộ trình học được thiết kế riêng cho từng học viên.
- Dựa trên mục tiêu, đặc thù từng ngành việc của học viên.
- Học mọi lúc mọi nơi, thời gian linh hoạt.
KHÓA HỌC CHO NGƯỜI ĐI LÀM
- Học các kỹ năng trong công việc: đàm phán, thuyết trình, viết email, gọi điện,...
- Chủ đề học liên quan trực tiếp đến các tình huống công việc thực tế
- Đội ngũ giáo viên tối thiểu 7.0 IELTS hoặc 900 TOEIC, có kinh nghiệm thực tế với tiếng Anh công sở.
- Phương pháp học chủ đạo: Siêu phản xạ, PG (chuẩn hóa phát âm), PBL (Học qua dự án),...
KHÓA HỌC TRỰC TUYẾN NHÓM
- Học theo nhóm (8-10 người), môi trường học tương tác và giao tiếp liên tục.
- Giáo viên đạt tối thiểu 7.0 IELTS/900 TOEIC.
- Học online chất lượng như offline.
- Chi phí tương đối, chất lượng tuyệt đối.
- Kiểm tra đầu vào, đầu ra và tư vấn lộ trình miễn phí
Bài viết khác
Những kiến thức về ngữ pháp tiếng Anh tiểu học sẽ được tổng hợp chi tiết trong bài viết dưới đây của Langmaster!
Cùng tìm hiểu với Langmaster về 10 tips dạy bé học tiếng Anh hiệu quả nhất hiện nay các bạn nhé!
Các em nhỏ hãy cùng tìm hiểu nội dung và ý nghĩa từ truyện Cô bé quàng khăn đỏ tiếng Anh trong bài viết bên dưới nhé!
Khám phá những từ vựng tiếng Anh tiểu học theo chủ đề gần gũi, thú vị dành cho trẻ em trong bài viết sau của Langmaster nhé!
Giúp trẻ trau dồi kiến thức khi học tiếng Anh lớp 2 tại nhà qua những chia sẻ cụ thể trong bài viết của Langmaster nhé!