Diễn giả, TS. Lê Thẩm Dương đã trao đổi như vậy tại chương trình “Chào Tân sinh viên 2016” do T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, báo Sinh Viên Việt Nam và Công ty Cổ phần Giáo dục và Đầu tư Công nghệ Quốc tế Langmaster tổ chức ngày 21/9/2016 tại trường Đại học Thương Mại. Chủ đề “Khám phá điểm mạnh bản thân” được ông diễn thuyết hài hước, đầy bất ngờ, những ví von thô mà thật, những lời khuyên thẳng mà vẫn phải ngẫm ngợi…
THẾ SỰ ĐÃ KHÁC XƯA RỒI
Dẫn lại lời cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, “Bán cho tôi một năm tuổi trẻ, tôi sẽ trả cho bạn một tỉ đô Xanh”, TS. Lê Thẩm Dương khẳng định với sinh viên toàn hội trường: “Các bạn mới chính là tỉ phú. Đỗ đại học chỉ là điểm bắt đầu, không phải là khoảng dừng tự đắc. Thế giới đã vận động thay đổi quá nhiều rồi, các bạn phải phẳng dần đi, thể dục não nữa và chăm chỉ làm việc để đáp ứng môi trường siêu cạnh tranh”.
Diễn giả, TS Lê Thẩm Dương nhận được sự yêu mến đặc biệt của sinh viên.
Lý giải cho lời khuyên này, TS. Lê Thẩm Dương dẫn ra ba đổi thay.
Thứ nhất, kinh tế bây giờ đã phẳng, cả thế giới giờ chỉ còn là một thị trường phẳng về hàng hóa, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động và giờ doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ cũng phải công bằng rồi. Việt Nam cũng đã tham gia vào nhiều cộng đồng khu vực, tổ chức quốc tế và ký hàng loạt hiệp định thương mại như WTO, TPP… “Bạn không thể là mãi là công dân Hà Nội hay công dân một làng quê nào được nữa. Để đáp ứng thị trường lao động tương lai, bạn phải phẳng, phải theo chuẩn khu vực và thế giới, phải là công dân toàn cầu. Nếu không, làm thuê cũng không có cửa”.
Thứ hai, chúng ta đang sống trong môi trường kinh tế tri thức, với 70% giá trị sản phẩm là của tri thức, 30 % là nguyên liệu thì cái bạn cần khai thác trong tương lai là tài nguyên não chứ không phải rừng vàng, biển bạc nữa.
Thứ ba, môi trường đang chờ đón các bạn sau khi ra trường là môi trường siêu cạnh tranh. Không còn cảnh trăm người bán, vạn người mua nữa mà giờ 60 người bán, 40 người mua, thậm chí 80 người bán, 20 người mua… Sinh viên ra trường đi tìm việc cũng vậy thôi, phải bán cái doanh nghiệp cần và giữ người ta lại. Muốn vậy thì ngoài giỏi kiến thức còn có hàng trăm kỹ năng các bạn phải luyện.
HÃY BIẾT BỎ “CÁI BẰNG” ĐI
Mỗi người đều có điểm mạnh riêng, khi phát huy đúng sở trường thì bạn sẽ thành công. Nhưng nhiều bạn trẻ luôn trong tình trạng không biết mình giỏi gì, không biết đam mê gì? Theo TS. Lê Thẩm Dương, khám phá điểm mạnh bản thân là cả quá trình. “Hãy làm tất cả, tập hợp mọi hành vi từ nhặt rau, chữa xe máy, học môn kinh tế, học môn vĩ mô… rồi tập hợp mọi lời khen chê để biết mình là ai. Thuật toán phân loại tính cách MBTI cũng là một cách để khám phá bản thân. Và các bạn phải thành thật tự trả lời: Kiến thức của mình đến đâu? Thực chất mình làm được gì? Phẩm chất cá nhân mình là gì?”.
Mở rộng khái niệm năng lực, TS. Lê Thẩm Dương lấy bản thân làm ví dụ: “Năng lực của tôi không phải là Tiến sỹ, không phải là cái bằng, mà là thái độ làm việc chăm chỉ, là trung thực, là ý chí, là động cơ đàng hoàng, là khả năng diễn thuyết, hiểu biết xã hội… Tôi khuyên các bạn, muốn thành công hãy biết bỏ cái bằng đi”. Hiểu mình là hiểu kiến thức của mình, gồm kiến thức nghề (kiến thức cơ bản) và kiến thức ngoài nghề (hiểu biết xã hội).
20 KẺ THÙ VÀ 30 KỸ NĂNG
“Những người giỏi nhất thế giới đều giỏi môn triết học, để biết cách hành động theo quy luật và giỏi môn tâm lý, để có chiến thuật hành động đúng đắn. Vậy mà tôi thấy các bạn thờ ơ với các môn đại cương thì thật đáng tiếc”, đó là một trong những lời khuyên thú vị của TS. Lê Thẩm Dương dành cho các bạn tân sinh viên. Ngoài phần thuyết trình ấn tượng, ông còn có phần giải đáp các câu hỏi của sinh viên một cách sôi nổi.
Trước câu hỏi “làm thế nào để bỏ được thói quen hay trì hoãn?” của Mai Ngọc Ánh (Trường ĐH Phương Đông), TS. Lê Thẩm Dương cho rằng: “Bạn có tới 20 kẻ thù cơ. Ngoài tính hay trì hoãn bạn còn luộm thuộm, thích gì làm đó, cố đấm ăn xôi, không tin chính mình… Nhưng nhận được ra điểm yếu của bản thân là đã thắng 50% rồi, còn lại phải tự rèn luyện thôi, không ai có thể làm thay bạn được”.
Vì sao chăm chỉ mà không đạt được kết quả như mong muốn? Nguyễn Thị Thảo (Trường ĐH Thương Mại) băn khoăn hỏi TS. Dương. “Chăm chỉ là điều tuyệt vời nhưng phải có phương pháp và cách thức tiếp cận vấn đề. Có lẽ bạn mới chỉ học đến cấp độ để biết trong nhiều cấp độ: Biết, làm, phân tích xong mới làm, năng lực tổng hợp, năng lực sáng tạo”.
Một bạn nam đến từ trường ĐH Thương Mại cho rằng mình vì áp lực gia đình nên không được làm điều mình thích…, làm thế nào để vượt qua được, TS. Lê Thẩm Dương đã thẳng thắn: “Điểm xuất phát của đam mê là hãy làm đi, đam mê chỉ sinh ra trong hành động. Bố mẹ chưa chắc đã vô lý đâu, thích khác với đam mê, đam mê phải máu lửa, phải xông lên… Vì vậy đừng có vội đổ lỗi cho bố mẹ”.
Nghe nhiều thông tin trái chiều, một số sinh viên còn chất vấn TS. Lê Thẩm Dương về nền giáo dục nước nhà, ông cũng nghiêm túc cho rằng, mỗi nền giáo dục đều có ưu khuyết riêng. Nếu đi du học, bạn sẽ thấy các nền giáo dục tiên tiến không dạy kiến thức mà dạy phương pháp tự duy, phương pháp tự hành động, phương pháp tự đào tạo. Và một khi đã tự đào tạo thì kể cả học ở trường tệ nhất cũng thành tài.